Buông tập 3 Cuốn tiểu thuyết 1Q84 của tác giả Haruki Murakami xuống giường,
kết thúc một hành trình kéo dài gần 3 tuần hồi hộp, lôi cuốn, thực hư lẫn lộn
cùng các nhân vật chính xuyên suốt 1.376 trang truyện mà tâm hồn tôi vẫn còn
đang vảng vất ở cái thế giới có 2 mặt trăng ấy.
Có quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp, câu truyện trên
giấy đã hết mà câu truyện trong não của độc giả vẫn còn tiếp tục. Các chương
được sắp xếp theo mạch các mảnh dòng đời song song của 2 nhân vật chính Aomame và Tengo, khiến
cho độc giả như đang xem cùng lúc 2 bộ phim bom tấn, nhưng với điều kiện, chỉ
được xem tiếp phân cảnh mới của phim này nếu như xong 1 phân cảnh của phim kia.
Cuối mỗi chương đó, tác giả lại thòng thêm 1 đoạn gợi trí tò mò khiến cho độc
giả không sao cưỡng lại được, chỉ muốn đọc ngấu nghiến thật nhanh chương kế
tiếp. Ờ mà cái chương tiếp theo đó cũng vốn dĩ đã là một món ngon đợi sẵn rồi.
Cứ thế, tác giả dẫn dắt câu chuyện một cách ly kỳ đến kinh ngạc.
Tôi tự nhủ, ôi đây mới là nghệ thuật đỉnh cao của làm
truyền thông nè. Làm sao để PR cho thương hiệu như kể một câu chuyện tiểu
thuyết lôi cuốn vầy trời? người ta phải lùng sục tìm mua rồi đọc một cách ngấu
nghiến, quên ăn, quên ngủ. Thực tế cũng có nhiều thương hiệu theo đuổi cách
thức làm truyền thông bằng phương pháp kể chuyện lắm. Một câu chuyện thú vị về
thương hiệu, kể dần dà từng chút một, như người ta bóc hành từng lớp, từng lớp
một, để lại vô vàn các cảm xúc đan xen.
Các nhân vật chính Aomame, Tengo và về sau có thêm
Ushikawa, đều là những cá tính nổi trội và xuất chúng. Dù họ ở phe chính diện
hay phản diện thì đều có rất nhiều điểm thuộc về tính cách, phẩm chất rất đáng
để học hỏi. Giờ đây, cảm nhận của tôi khi nhìn lại các nhân vật, không thể nhớ
được hết về các chi tiết, nó cứ trộn lẫn vào nhau, nhưng đó là những điều tôi
ấn tượng nhất và học hỏi được về các nhân vật, cũng như tác phẩm 1Q84 này.
1. Tình yêu định mệnh của cặp đôi Aomame và Tengo từ khi họ
còn là cô bé, cậu bé 10 tuổi. Chỉ một lần cầm tay duy nhất mà hình ảnh ấy, tình
yêu ấy tuy chưa bao giờ nói ra, chưa một lần hứa hẹn, vậy mà đã sưởi ấm hai
trái tim cô độc ấy suốt 20 năm cho đến ngày gặp lại. Dù có gặp hoàn cảnh khó
khăn đến mấy, Aomame vẫn tin tưởng rằng sẽ có một ngày nhất định phải gặp được
Tengo. Cũng chính nhờ có tình yêu ấy mà Aomame đã không cảm thấy bị mục ruỗng
từ bên trong như cô bạn gái cảnh sát Ayumi, người đã trải qua một quá khứ đầy
tổn thương vì bị xâm hại bởi chính những người thân trong gia đình mình. Trải
qua bao nhiêu thử thách, có những lúc nguy hiểm rình rập đến tính mạng trong gang
tấc, nhưng cuối cùng cả Aomame và Tengo vẫn vượt qua để đến được bên nhau.
2. Cô bạn gái thân đầu tiên của Aomame, mẫu người con gái
toàn diện nhưng lại là nạn nhân bẩm sinh trong tình yêu. Mặc cho Aomame đã
khuyên bảo cô bao nhiêu lần về những người đàn ông không xứng đáng mà cô vẫn cứ
lao vào, để rồi cùng cực khổ đau cũng không thể chia sẻ với người bạn thân nhất
của mình. Bạn có để ý rằng, nếu ai đó nói với mình mãi mãi về một vấn đề, rồi
mình không thay đổi, người đó sẽ chán không buồn nói với mình nữa không? vấn đề
là người đó sẽ không chỉ ‘thôi’ không nói với bạn về ‘mỗi’ vấn đề đó mà họ sẽ
tiệt nhiên không muốn nói với bạn về bất kỳ vấn đề nào khác nữa. Dù thân nhau
đến mấy nhưng khi không còn chia sẻ được với nhau thì tình bạn của 2 người cũng
xa mặt cách lòng, không thể vẹn nguyên được như trước. Aomame đã không hay biết
được thông tin gì về người bạn thân của mình một thời gian dài cho đến khi nhận
được tin cô gái ấy đã tự sát.
3. Sự xuất chúng và chuyên nghiệp của các nhân vật
Aomame là một huấn luyện viên thể thao xuất sắc, một sát
thủ chuyên nghiệp và cô có khả năng điêu luyện trong việc trị liệu các vấn đề
về cơ khớp cho các khách hàng của mình. Những người tài giỏi sẽ cần những người
tài giỏi, và cô được sự tin tưởng tuyệt đối của bà chủ, cũng là một người phụ
nữ thành đạt và quyền lực. Cô sở hữu đức tính thận trọng, các bước đi, hành
động trong công việc đều quyết liệt, gọn ghẽ, chính xác. Dể duy trì được nhịp
độ đó, cô cũng luôn chăm chút cho sức khỏe của mình thông qua các bài tập vận
động hằng ngày, kể cả khi cô đang mang thai.
Tengo cũng là người có tài năng xuất chúng, thần đồng toán
học từ hồi nhỏ, nhưng lựa chọn một cuộc sống đơn độc và ít bị dòm ngó nhất.
Cuộc sống bình dị cùng những ám ảnh của tuổi thơ khiến cho Tengo sống một cuộc
đời ẩn dật và chưa thể hiện được khát khao hay một quyết tâm phải đạt được điều
gì đó, cho đến khi hoàn thành tác phẩm Nhộng không khí. Anh mới như bừng tỉnh
khỏi cơn mộng mị, và bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, cũng như thể hiện khát
khao muốn viết một cuốn tiểu thuyết của riêng mình, và bắt đầu tìm kiếm Aomame,
tình yêu của cuộc đời anh.
Ushikawa mặc dù là một nhân vật phản diện, một lính đánh
thuê, được tác giả dùng những ngôn từ mô tả về độ xấu xí của y không biết để
đâu cho hết, thì y lại sở hữu những năng lực đặc biệt mà người bình thường
không làm được. Đó là một sự quyết tâm, đeo bám, bền bỉ không bỏ cuộc dù có
phải khó khăn, khổ sở, vất vả, hiểm nguy đến đâu chăng nữa. Y làm việc độc lập,
và nhờ những lập luận sắc bén, lăn xả vào tìm kiếm bằng chứng, suy luận các mối
liên hệ để dần tìm ra sự thật.Y cũng có một khả năng tập trung vào thứ tự ưu
tiên một cách đáng ngưỡng mộ, có những lúc y bị sao nhãng nhưng dường như ngay
lập tức y đặt ra các câu hỏi để tự nhắc nhở bản thân và nhanh chóng quay trở
lại vấn đề đang được ưu tiên.
4. “Tưởng vậy, mà hóa ra không phải vậy” là những câu
chuyện lặp lại dưới những hình thái khác nhau. Komatsu tưởng mình khôn ngoan, đưa
thầy giáo Ebisuno vào tròng để hưởng lợi từ việc xuất bản Nhộng Không Khí.
Không ngờ, chính Ebisuno cũng có mưu tính riêng khi chấp thuận lời đề nghị này
của Komatsu, với mục đích để lôi được vị Thủ lĩnh của giáo đoàn Sakigake ra
khỏi hang. Rồi Aomame tưởng mình là người chủ động tìm đến Thủ lĩnh giáo phái Sakigake
để mưu sát, thì hóa ra chính Thủ Lĩnh
mới là người tìm đến Aomame và van xin cô hãy kết liễu cuộc đời của ông, để
thoát khỏi nỗi đau về thể xác đang dần mòn giết chết ông mỗi ngày. Chi tiết gần
cuối câu truyện là hành trình Ushikawa thuê căn hộ dưới tầng nhà Tengo chỉ để
theo dõi động thái Tengo hòng lần mò ra manh mối của Aomame, y không hay biết
rằng trong lúc không để ý thì y bị Aomame theo dõi ngược lại để lần tìm ra nhà
của Tengo. Rồi cũng chính Aomame không hay biết rằng, cô lại bị Ushikawa chụp
ảnh và nhận ra cô trong bóng tối lúc cô đang mò mẫm tìm tới căn hộ của Tengo.
Cuộc sống có đôi khi là một sự “đuổi bắt” trớ trêu như vậy,
tưởng rằng mình khôn ngoan hơn người nhưng chưa biết chừng chính mình lại đang là
mồi nhử bị lợi dụng.
5. Đặc điểm chung của cả Aomame và Tengo đó là tính chính
trực và sự nhất quán trong mọi hành động của họ, điều đó khiến họ là những
người đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực mà họ làm. Dù cho đó là một sát thủ, một
huấn luyện viên, hay đó là một anh thầy giáo dự bị, một nhà văn tập sự viết
tiểu thuyết. Cũng chính bởi sự chính trực, chuyên nghiệp và nhất quán ấy mà họ
được sự tin tưởng tuyệt đối và sự hỗ trợ của các quý nhân phù trợ khi cần
thiết.
6. Biến đau thương thành động lực, đó là bà chủ Ogata Shizue
của biệt thự cây liễu thuộc khu Azabu. Từ nỗi đau mất đi đứa con gái đang mang
bầu đã tự sát vì bị chồng bạo hành và ngược đãi, bà đã biến nỗi đau ấy thành
động lực xây dựng một trung tâm bảo trợ cho những người phụ nữ và trẻ em bị bạo
hành và bảo vệ họ an toàn trước móng vuốt của những kẻ thủ ác.
7. Nói gì thì nói, Aomame đã có được tất cả những sự trợ
giúp tuyệt vời và kịp thời của bà chủ. Nếu không phải bà chủ là một người có
thế lực và tiềm lực tài chính mạnh mẽ, thì sẽ không thể có được Aomame xuất
thần trong các tình huống hiểm nguy như vậy.
8. Phần review này sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc
đến nhân vật Fuka-Eri, cô gái 17 tuổi, con của vị Thủ lĩnh, đồng
thời là tác giả của bản dự thảo đầu tiên Nhộng không khí. Mình ấn tượng nhất
chi tiết mô tả ánh mắt của cô nhìn xuyên qua lớp kính râm, chiếu thẳng qua lớp
rèm cửa sổ, xoáy sâu vào tâm can của Ushikawa mặc dù y đã ngụy trang khá kỹ càng.
Chỉ đơn giản là cô biết y đang theo dõi mọi thảy, đang giám sát cô. Trong
thoáng chốc, ánh mắt ấy khiến toàn thân y cứng đờ, tê liệt như nói rằng cô đã
biết hết những hành vi của y, nhưng kỳ lạ ánh mắt đó không hề khinh bỉ mà tràn
đầy lòng cảm thương.
Một người như y, tự nhận mình là xấu xa biến thái ghê tởm,
chẳng thà y thấy mình bị vạch trần bị khinh miệt, bị mắng chửi, bị định tội còn
dễ chịu hơn là được thương cảm. “Nhưng như thế này thì y không thể chịu nổi”. Nếu
có tội và bị phạt, thì thường quá. Con người ta, dù tối tăm đến mấy, tôi tin
rằng, vào một thời điểm phù hợp, vẫn có thể được cảm hóa bằng lòng vị tha, bao
dung của người mà họ cho là quan trọng. Nếu Ushikawa không phải vì ngay lập
tức, dẹp bỏ đi cảm xúc đang bị xáo trộn trong tâm trí của y, để tập trung vào
việc y đang ưu tiên trước mắt, thì hẳn y có thể vì ánh mắt ấy, mà được cảm hóa
mà sống cuộc đời khác. Nhưng đó là chuyện giá như, cũng có thể là thì tương lai
của tập 4 không biết chừng.
Hà Nội, ngày 14/8/2018
Giang
Đoàn
Nhận xét