Chuyển đến nội dung chính

Reviews Đi tìm lẽ sống tác giả Viktor Frankl

Nếu được reviews “Đi tìm lẽ sống” trong 1 đoạn thì tôi sẽ viết như thế này.

“Tác giả Viktor Frankl, bác sĩ tâm thần người Áo, người đã từ chối cơ hội chạy trốn sang Mỹ để thoát khỏi sự săn lùng của bọn phát xít, đã quyết định ở lại chăm sóc cha mẹ già, nhưng cuối cùng cả gia đình không may vẫn bị bắt vào trại tập trung. Suốt 3 năm bị chuyển qua 4 trại, nhờ tinh thần lạc quan bẩm sinh, tình yêu thương sâu sắc với người vợ và đức tin lớn, ông vẫn sống sót dù điều kiện sống trong trại hết sức khắc nghiệt, làm lụng vất vả và luôn trong tình trạng đói ăn, dịch bệnh và thiếu thốn, tỷ lệ sống sót của tù nhân chỉ là 1/20. Ông được ra trại vào năm 1945, một năm sau đó ông đã hoàn thành tác phẩm “Đi tìm lẽ sống” chỉ sau vỏn vẹn 9 ngày chắp bút. 12 triệu bản đã được phát hành trên toàn thế giới. Ông mất năm 1997, hưởng thọ 92 tuổi”.

-Không cảm xúc, về chỗ!!!
-Oke fine, thế bạn có đủ kiên trì để đọc reviews dài không?




Như một cái duyên, nếu Nhật ký Anne Frank khép lại khi cô bé Anne mới 15 tuổi bị bắt vào trong trại tập trung, thì “Đi tìm lẽ sống” lại mở ra cuộc sống của những người tù trong trại và phơi bày nội tâm của họ suốt 3 năm ngồi tù, chết chóc thì nhiều, chỉ số ít là còn sống lay lắt được đến ngày tự do. “Đặc sản” của cả 2 tác giả này là tinh thần lạc quan bẩm sinh, cả trong nghịch cảnh. Frankl luôn trung thành với quan điểm: “những thế lực vượt quá khả năng kiểm soát của bạn có thể lấy đi mọi thứ mà bạn có, chỉ trừ một thứ, đó là sự tự do chọn lựa cách bạn phản ứng trước hoàn cảnh”. Nhờ thế mà chúng ta sẽ được ‘nạp’ thêm năng lượng mỗi khi chạm tay vào cuốn sách này.

Sự khắc nghiệt ở trong tù
Vâng, cơ hội sống sót của tù nhân là 1/20, các tù nhân ốm yếu bệnh tật, sẽ được lọc cho vào phòng hơi ngạt, nơi nhả ra những cột khói đen cao ngút trời. Mặc dù vậy, Frankl chưa khi nào đánh mất hy vọng và bỏ cuộc, bởi một lẽ không ai biết tương lai sẽ đem lại điều gì.

Một lần, ông bị đánh thức giữa đêm bởi tiếng ú ớ của người bạn tù nằm bên, rõ ràng là người bạn tù ấy đang trong cơn ác mộng. Ông định đưa tay lay người bạn của mình dậy nhưng bỗng nhiên rụt tay lại vì kịp thời nhận ra một sự thật rằng không có giấc mơ nào, cho dù có ghê sợ đến mấy, lại đáng sợ bằng thực tế ở trại, vốn đang bủa vây họ; vậy mà ông lại định đưa bạn mình trở lại với thực tế còn khủng khiếp hơn cả cơn ác mộng kia.

Chưa nói đến các nhu cầu xa xỉ, những người tù ở đây, họ chỉ có một khát khao cháy bỏng duy nhất, đó là thức ăn, ngay cả trong giấc mơ, dám chắc rằng họ cũng mơ đến thức ăn. Để đối phó với cơn đói giằng xé mỗi giây mỗi phút suốt những giờ lao động khổ sai, những người tù nhân mòn mỏi chờ đợi khoảng thời gian 30 phút ngắn ngủi mà họ được nghỉ để ăn trưa nếu bánh mì của họ vẫn còn. Họ liên tục hỏi người quản đốc giờ giấc để xem đã đến giờ ăn chưa; và khẽ chạm vào mẩu bánh mì trong túi áo, trước tiên mân mê nó bằng những ngón tay tê cóng, sau đó mới bẻ một mẩu nhỏ cho vào miệng, và cuối cùng, với một chút ý chí cuối cùng, bỏ mẩu bánh vào túi trở lại, và tự hứa rằng phải để dành đến chiều.

Khổ hạnh vậy làm sao mà sống sót?
Dù phải chịu những tổn thương cả về thể xác lẫn sự căng thẳng về tinh thần, nhưng đời sống nội tâm của các tù nhân trong trại vẫn hết sức sâu sắc, đặc biệt là những người xuất thân là trí thức, họ có khả năng tự rút mình ra khỏi hoàn cảnh khủng khiếp xung quanh để đến với cuộc sống nội tâm phong phú và sự tự do về tinh thần. Điều này lý giải tại sao một số tù nhân trông bề ngoài yếu đuối lại có thể tồn tại trong trại tốt hơn những người cường tráng khác.

Một chiều nọ, khi những tù nhân đang ngồi nghỉ trên sàn của khu lều, mệt lử, trên tay là những chén xúp không nhân, một người tù vội vã chạy vào và gọi đồng đội ra ngoài để ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp...Sau vài phút lặng im vì xúc động, một người tù đã nói với người bên cạnh: “Thế giới này sao có thể đẹp đến thế!”. Dẫu cho tình cảnh có tồi tệ ra sao thì cũng không ai cấm được “khối óc” có thể nghĩ suy điều gì và “con tim” cảm nhận thế giới ra sao.

Tưởng chừng những lý tưởng về tình yêu chỉ có trong thơ ca, nhưng trải qua những năm tháng trong tù, khi không còn gì để mất, thì chính tình yêu của tác giả với người vợ thân yêu đã giúp ông vượt qua những sóng gió. “Tên lính gác đi ngang, sỉ nhục tôi, tôi coi như hắn và những lời nói của hắn không tồn tại, tôi lại tiếp tục nói chuyện với người vợ thân yêu của mình. Càng ngày tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hiện hữu của nàng, rằng nàng luôn ở cạnh tôi; tôi có cảm giá rằng mình có thể chạm vào nàng, có thể đưa tay ra và nắm lấy bàn tay của nàng. Cảm giác ấy rất mạnh: nàng đã ở đây”.

Frankl cũng đánh giá cao vai trò của sự hài hước trong những nỗ lực đẩy lùi nỗi đau khổ, và cũng bởi vì ‘nỗi đau khổ’ có cơ chế vận hành giống chất khí, cho dù nỗi đau khổ ấy lớn hay nhỏ thì nó vẫn ‘bơm’ đầy đủ vào tâm hồn và trí não chừng nào chủ nhân của nó còn cho phép. Vì vậy, sự hài hước chính là một loại vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh duy trì sự sống. Mặc dù ở đâu cũng có đau khổ, ở đâu cũng cần khiếu hài hước, nhưng trong trại tập trung thì càng phải rèn luyện nghệ thuật sống khôi hài.

Khi nhận ra rằng không ai có thể thay thế được vị trí của mình, con người buộc phải có trách nhiệm cho sự tồn tại và tiếp tục cuộc sống của mình. Đó cũng là cách Frankl đã khai thác được lý do cần phải tiếp tục sống của những người bạn tù và giúp họ đứng dậy, thay vì buông xuôi. Quả thực, một người trở nên thức tỉnh và có trách nhiệm khi biết có một người đang chờ đợi mình, hoặc có một nhiệm vụ chưa hoàn thành, người ấy sẽ không bao giờ có thể ném bỏ cuộc đời mình. Người đó hiểu được “lý do” cho sự tồn tại của mình, và sẽ có thể chịu đựng được bất cứ điều gì. Như nhà triết học người Đức Nietzsche đã từng nói: “Người nào có lý do để sống thì sẽ có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh”.

Mặc dù vậy, không nhất thiết phải trải qua đau khổ thì con người mới tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Tác giả nhấn mạnh là con người vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa trong đau khổ-nếu đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu có thể tránh được thì việc cần làm là hãy xóa bỏ nguyên nhân của nó, dù nguyên nhân này thuộc về tâm lý, sinh lý hay chính trị. Chịu khổ một cách không cần thiết là khùng điên hơn là anh hùng.

Để làm rõ hơn về ý niệm này, Frank kể lại câu chuyện về một người tù trên đường đến trại đã có lời nguyện cầu với Thượng đế, rằng hãy để những đau khổ và cái chết của anh ấy cứu được những người mà anh ấy yêu thương khỏi kết cục đau đớn. Đối với người này, sự chịu đựng và cái chết là có ý nghĩa; đó là sự hy sinh mang ý nghĩa sâu sắc nhất. Anh ấy không muốn chết vô ích.

Mình xin chốt lại toàn bộ bằng câu châm ngôn mà tác giả hết sức tâm đắc, ông đã nhắc đi nhắc lại 2 lần. “Hãy sống như thể bạn đang được sống lần thứ hai và giả như bạn có mắc sai lầm trong cuộc sống trước thì giờ đây bạn đang nỗ lực để làm mọi thứ đúng đắn”. Mình mò ra bản tiếng anh gốc như sau “Live as though you’re living a second time and as though the first time you lived, you did it wrong, and now you’re trying to do things right.” Dù quá khứ có ra sao, thì tương lai vẫn nằm ở phía trước và bạn thỏa sức lựa chọn từ thái độ sống cho tới hành động, và tự mình quyết định số phận của chính mình.

PS. Cuốn sách là sự chỉ dẫn cho những con người đã từng tuyệt vọng khi ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh để tiếp tục sống. Vì vậy, những ai còn đang buồn phiền, stress vì những lý do đẩu đâu thì việc đầu tiên bạn có thể làm là book Tiki ngay cuốn sách này để “Đi tìm lẽ sống” cho riêng mình =))

#Đi_tìm_lẽ_sống #Viktor_E_Frankl
Ảnh: copy từ Vnwriter

Fb: Giang Doan (Jaito Giany)
Hà Nội, 16/10/2018

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Review Khai tâm Chuyển vận - tác giả Phước Nguyễn

Mình đã đọc xong cuốn này, trong vòng 3 ngày đi công tác. Mình nghĩ: "cuốn sách giúp ai đó đi qua những ngày u tối, cảm giác như đọc phiên bản Việt của sách Vãn Tình, nhưng khác là, tác giả là một thầy phong thủy, một kiến trúc sư". Khi ý thức được rằng mỗi người đều có 1 con quỷ trong mình, hãy nhận diện và chấp nhận nó, cuộc sống bắt đầu dễ thở hơn rồi. Bài học sau 10 năm mình nhận ra rằng: chẳng khuyên bảo được ai cái gì, ngay cả khi đó là bài học từ chính mình đã trải qua. Trừ khi bạn là ng có ảnh hưởng cực lớn với họ về "vấn đề" đó, còn không, hãy để họ tự bước qua bài học của mình. Ảnh chôm từ tường tác giả: Phước Nguyễn. #KhaitâmChuyểnvận

Review 101 Lời khuyên Tài chính Cá Nhân từ Thái Phạm

Trước đây chỉ biết tới nguyên tắc chi tiêu 6 cái lọ (mỗi khi bạn có thu nhập, chia thành 6 cái lọ cho các hạng mục: nhu cầu thiết yếu (55%), đầu tư sinh lời (10%), quỹ tiết kiệm (10%), phát triển bản thân (10%), hưởng thụ cuộc sống (10%), từ thiện (5%). Nay đọc sách của người Anh viết trong cuốn "101 Lời khuyên Tài chính Cá Nhân từ Thái Phạm" mới thấy còn nhiều phương pháp tiết kiệm thú vị nữa. -Phương pháp 50/20/30 -Phương pháp Kakeibo của người Nhật -Phương pháp 20/80, tiết kiệm 20%, chi tiêu 80% -Phương pháp 60/10/10/10/10 -Phương pháp 10% -Phương pháp 4 phong bì -Phương pháp "BÀ GIÀ" Một cuốn sách "cần phải có" cho những người trẻ bước vào đời, những cặp vợ chồng mới cưới (nên có chung sự thông hiểu về tài chính, cùng nhau vun vén) và những người không còn trẻ vẫn đang loay hoay về tài chính. Mình đọc vì đang thuộc nhóm thứ 3 kk. Cuốn sách được viết lần lượt thành 101 lời khuyên, khi ngắn, khi dài, bạn hãy dành thời gian để đọc và thẩm thấu nhé. Đọc pa...

Reviews Trải nghiệm khách hàng xuất sắc

      -Khoản trả góp của chị bị thiếu 500 đồng, chị chuyển khoản nốt cho bên em thì mới thanh toán được kỳ này. -Em ơi, bên Spa họ báo chị chuyển khoản bao nhiêu, chị bắn bấy nhiêu, chị có cố tình trả thiếu đâu. Mà có mỗi 500 đồng, em tìm cách xử lý giúp chị, chứ làm sao chị chuyển được 500 đồng… Đến lần gọi thứ 2, thứ 3 nhân viên ngân hàng V***** vẫn giục tôi cùng lý do, tôi phải nhờ một người em có tài khoản ngân hàng đó chuyển giúp 1000 đồng. Chưa hết, tiếp tục cuộc gọi thứ 4: -Chị chưa trả cho bên em 500 đồng thì khoản này sẽ không được tính là thanh toán đâu chị. -Em kiểm tra lại trên hệ thống đi, đã trả cách đây 1 tiếng rồi đấy. Sao bên em phiền vậy, chị muốn hủy dịch vụ của cả 2 bên, spa lẫn hợp đồng trả góp này. -Nhưng hệ thống ghi chú 3 cuộc gọi trước chưa được xử lý, chị thông cảm đó là vì vòng lặp của bên em….Chị sẽ tiếp tục bị làm phiền nếu chưa hoàn tất khoản nợ này. Thật sự lúc đó tôi chỉ muốn chửi thề, cái vòng lặp chết tiệt… Đúng như tôi “dự đoán”, gi...